Khi men rượu cần còn nồng ấm nơi cuống họng, khi tiếng cồng chiêng hãy còn vang vọng nơi núi rừng, chúng tôi tìm đến không gian đặc trưng của người Mường ở bản Giang Mỗ (Cao Phong, Hòa Bình).
Mất chừng khoảng 2 giờ đồng hồ chạy xe máy, chúng tôi đã đặt chân tới Hòa Bình, thành phố thủy điện bên sông Đà.
Đã bao lần đi qua xứ này lên Mai Châu, Mộc Châu, Điện Biên nhưng tôi vẫn bất ngờ khi lần này mình đi trên con đường mang tên Tây Tiến. Con đường huyền thoại đây sao. Con đường của những chiến binh “không mọc tóc”, của những chiến công thầm lặng “chẳng tiếc đời xanh”.
Tượng đài Tây Tiến được dựng lên chính tại điểm đầu của con đường Tây Tiến khi xưa: Dốc Cun. Tượng đài tựa trên đài sen, vươn cao giữa trời xanh như dáng đứng hiên ngang của người lính hay là một sự siêu thoát của những linh hồn bất diệt.
Trước khi vào đến Giang Mỗ, du khách có dịp ghé qua Bảo tàng không gian văn hóa Mường của chàng họa sĩ Vũ Đức Hiếu. Ba chiếc cọn nước mệt mài đưa nước. Bên nhà sàn là dàn cồng chiêng, thứ nhạc cụ truyền thống đặc sắc của người Mường. Giọng nói nhẹ nhàng của cô gái người Mường chính gốc Đinh Thị Phú khiến du khách hiểu thêm về văn hóa xứ Mường.
Không gian trưng bày được tổ chức thành bốn ngôi nhà sàn tượng trưng cho bốn tầng lớp trong xã hội Mường xưa. Tầng lớp thống trị là nhà Lang với các dòng họ nắm quyền thống trị lâu đời: Đinh, Quách, Bạch, Hà. Ngôi nhà Lang được phục dựng trong bảo tàng là một ngôi nhà sàn đã có tuổi đời trên trăm năm của một gia đình quan lang ở Mường Chậm.
Điều rất thú vị và khiến du khách không khỏi bất ngờ là ở đây từ những vật trang trí nhỏ nhất cũng nói lên những đặc trưng, lối sống của người Mường. Nhà Lang với hàng rào bện rơm tượng trưng cho đời sống no đủ, đến những hàng súng kíp, súng săn, những bộ lông thú biểu hiện cho sức mạnh của người đàn ông và sự giàu có.
Chia tay với không gian văn hóa Mường, bạn sẽ đặt chân tới bạn Giang Mỗ. Gần 100 nóc nhà sàn thanh bình nép mình dưới chân núi. Dưới cánh đồng, chàng trai vẫn cần mẫn đi cày cho vụ lúa mới. Trên hàng rào, mấy chú gà “bệ vệ” như không biết đến ánh mắt tò mò của du khách. Tất cả làm nên sự đơn sơ, bình dị của bản Mường.
Nhấp một chén rượu ngô men lá, ông thầy cúng Bùi Văn Thương kể cho tôi nghe về mái nhà sàn của người Mường từ những ngày xửa ngay xưa khi đẻ đất, đẻ nước, khi người Mường nhìn con rùa mà tạo tác nên căn nhà của mình.
Ông cũng kể cho tôi nghe thiên tình diễm lệ của Út Lót-Chàng Liêu để rồi bây giờ những người phụ nữ Mường vẫn đội trên đầu chiếc khăn trắng như biểu tượng của tình yêu và lòng chung thủy…
Không chỉ được thưởng thức những đồ ăn, thức uống đậm chất nguyên sơ của người Mường, du khách còn có dịp thưởng thức những màn biểu diễn truyền thống của các chàng trai, cô gái. Tiếng cồng chiêng vang vọng giữa núi rừng Tây Bắc như lời mời gọi, như tiếng níu kéo du khách không nỡ dời chân đi.
Thông tin thêm:
-Hiện nay, cả Bảo tàng không gian Mường (Tổ 12, phường Thái Bình, Thành phố Hoà Bình) và bản Giang Mỗ đều phục vụ nhu cầu lưu trú ở nhà sàn của du khách với giá 50.000 đồng/người/đêm.
- Du khách có dịp thưởng thức rượu cần và những món ăn đặc trưng của người Mường: lợn thui bày lá chuối, quả đu đủ muối dưa tép, lá lồm nấu thịt trâu, lá chau khao nấu cá đồng, măng chua nấu với cá, thịt gà, vịt.
Ngoài ra còn có rau đốm, lá kịa, vừa là thức ăn vừa là thuốc đau bụng. Đặc biệt, ruột và dạ dày con Don vừa là vị thuốc chữa dạ dày vừa là món ăn quý hiếm.
Wednesday, August 3, 2011
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment