Wednesday, August 3, 2011

Vườn quốc gia Cát Tiên- Đồng Nai

Vườn quốc gia Cát Tiên là một khu bảo tồn thiên nhiên nằm trên địa bàn ba huyện Tân Phú, Vĩnh Cửu (Đồng Nai), Cát Tiên, Bảo Lộc (Lâm Đồng) và Bù Đăng (Bình Phước), cách Thành phố Hồ Chí Minh 150 km về phía bắc. Đặc trưng của vườn quốc gia này là rừng đất thấp ẩm ướt nhiệt đới.


Vườn quốc gia Cát Tiên được thành lập năm 1992 là vườn quốc gia lớn nhất của Việt Nam và là khu dự trữ sinh quyển thứ 411 của thế giới được UNESCO công nhận. Vườn quốc gia này có diện tích 71.920 ha, nằm trên vùng ranh giới thuộc địa phận ba tỉnh: huyện Cát Tiên của tỉnh Lâm Đồng, huyện Bù Đăng của tỉnh Bình Phước và huyện Tân Phú của tỉnh Đồng Nai. Đặc biệt khu rừng cấm Nam Cát Tiên có diện tích 39.108 ha đang được quản lý khá chặt chẽ.


Vườn quốc gia Cát Tiên nằm trong khu vực chuyển tiếp của khí hậu miền núi và đồng bằng, có hai mùa rõ rệt là mùa khô và mùa mưa. Lượng mưa trung bình hằng năm là 2.185mm, nhiệt độ trung bình là 25,40C. Rừng Cát Tiên có cảnh quan thiên nhiên đa dạng, vừa có đồi núi vừa có bãi cát ven sông, nhiều đầm lầy, ao hồ mênh mông nước, lại vừa có nhiều trảng cỏ rộng lớn. Vào mùa mưa, các sông suối hiền lành trở thành các dòng thác nước đổ ầm ào trắng xóa trên các triền đá. Sông Đồng Nai bao bọc ba mặt bắc, đông và tây với chiều dài đến 90km tạo nên nhiều ghềnh thác hùng vĩ và nhiều bãi cát vàng rộng lớn như các bãi tắm tự nhiên. Tục truyền nơi đây, ngày xưa các nàng tiên thường xuống hạ giới nô đùa, tận hưởng dòng nước mát mẻ trên sông nên mới gọi vùng này là “Cát Tiên”. Giữa dòng sông rộng lớn nổi lên nhiều hòn đảo cây cỏ xanh rì, hoang sơ, thơ mộng.

Ở vườn quốc gia Cát Tiên có trên một nửa số họ thực vật Nam bộ với các họ cây gỗ, đặc trưng là gỗ họ Dầu và gỗ họ Đậu, có đủ loại thực vật từ bậc thấp cho đến bậc cao. Tại vườn, các nhà khoa học đã xác định được 1.610 loài thực vật (trong đó có 310 loài cây dược liệu, hơn 200 loài cây cảnh, 133 loài lan rừng...) quý hiếm như cẩm lai, gõ đỏ, giáng hương, căm xe, gõ mật... có tên trong Sách Đỏ Việt Nam. Về côn trùng có 439 loài bướm, nhiều nhóm côn trùng khác thuộc bộ cánh cứng, bộ cánh vảy cũng có mặt ở Cát Tiên.
Trong các đầm lầy, sông suối ở vườn quốc gia có 133 loài cá, trong đó có 10 loài mới phát hiện ở nước ta. Vườn có 79 loài bò sát, đặc biệt có cá sấu Xiêm, trăn đen, trăn gấm có tên trong Sách Đỏ Việt Nam. Vườn còn có 351 loài chim, quý hiếm như gà cổ hung, công, cò quắm xanh, già đãy Java, cò lao Ấn Độ, hạc cổ trắng... Về thú rừng có 105 loài, trong đó có 25 loài có tên trong Sách Đỏ Việt Nam như bò Gaur, bò Banteng, gấu chó, gấu ngựa, voi châu Á, hổ, beo hoa mai...
Hiện có một nhóm khoảng bảy, tám con tê giác một sừng thuộc phân loài tê giác Java đang sống ở đây. Bảo vệ được những thú vật quý hiếm này là nhiệm vụ khó khăn và lâu dài của vườn quốc gia Cát Tiên. Ngoài ra, dự án phục hồi cá sấu nước ngọt ở Bàu Sấu đang được thử nghiệm.

Bên cạnh hệ động thực vật phong phú có giá trị còn có những cảnh quan thiên nhiên ngoạn mục do địa hình tạo nên như thác Trời được xem như một thác nước kỳ thú nhất ở rừng cấm Nam Cát Tiên. Dòng thác uốn khúc đổ nước từ trên cao xuống các tảng đá tung bọt trắng xóa, tỏa hơi nước mát lạnh cả một vùng. Bàu Sấu nằm ở khu trung tâm, là một vùng đất trũng ngập nước quanh năm, là nơi chứa nước rộng lớn nhất ở Cát Tiên, có vô số cá nước ngọt, kể cả cá sấu sinh sống. Du khách có thể dạo chơi quanh Bàu Sấu trên chiếc thuyền nhỏ chèo tay để tận hưởng vẻ đẹp tuyệt vời của mặt hồ tĩnh lặng, ngắm các loài chim, nhất là chim nước như cò, le le, ngỗng trời, bói cá, gà lôi, sếu, mòng két...

Vườn quốc gia Cát Tiên không chỉ có cảnh quan ngoạn mục mà còn có giá trị về mặt văn hóa - lịch sử. Đây là căn cứ địa cách mạng đã đi vào lịch sử đấu tranh anh dũng của dân tộc. Các nhà khảo cổ cũng tìm thấy ở đây những di vật thuộc nền văn hóa Óc Eo từ thế kỷ thứ II đến thế kỷ thứ III sau Công Nguyên. Ngôi đền thờ cổ thờ vật linh thuộc văn hóa Phù Nam nằm trên đỉnh một ngọn đồi bên dòng sông Đồng Nai đến nay vẫn còn nhiều bí ẩn.

Hiện nay, vườn quốc gia Cát Tiên là điểm du lịch sinh thái và văn hóa của miền Đông Nam bộ với nhiều loại hình du lịch như du thuyền, đi bộ xuyên rừng, tắm thác, cắm trại, thăm làng đồng bào dân tộc... vừa mạo hiểm vừa thích thú. Ngoài ra vườn quốc gia còn có tác dụng như lá phổi đóng vai trò to lớn trong việc cải thiện môi trường và phòng hộ đầu nguồn cho thủy điện Trị An.    

No comments:

Post a Comment