1. Chả cá Lã Vọng
Chả cá Lã Vọng là món cá tẩm ướp, nướng trên than rồi rán lại trong chảo mỡ, do gia đình họ Đoàn tại số nhà 14 phố Chả Cá (trước đây là phố Hàng Sơn) trong khu phố cổ giữ bí quyết kinh doanh và đặt tên.
Cá làm chả thường là cá lăng tươi. Đây là loại cá ít xương, ngọt thịt và thơm. Đặc biệt nhất và cũng vô cùng hiếm hoi là chả làm từ cá Anh Vũ, bắt ở ngã ba sông Bạch Hạc (Việt Trì - Phú Thọ). Không có cá lăng thì có thể dùng đến cá nheo, cá quả, nhưng cá nheo thì thịt bở hơn và cá quả thì nhiều xương dăm hơn nên không ngon bằng cá lăng. Thịt cá được lọc theo kiểu lạng từ hai bên sườn, thái mỏng, ướp với nước riềng, nghệ, mẻ, hạt tiêu, nước mắm theo một phương cách bí truyền đặc biệt ít nhất 2 giờ rồi kẹp vào cặp tre (hoặc vỉ nướng chả có quết một lớp mỡ cho đỡ dính). Người nướng phải quạt lửa, lật giở đều tay sao cho hai mặt đều chín vàng như nhau. Chuẩn bị ăn, người ta mới mang những kẹp chả nướng đã chín trút vào chảo mỡ - loại mỡ chó (đây là tuyệt chiêu khiến chả cá Lã Vọng nổi tiếng) sôi đặt trên bếp than hoa đặt trên bàn ăn, cùng với rau thì là và hành hoa cắt khúc. Thường người ta không dùng dầu ăn vì nhiệt độ thấp hơn và cá kém thơm hơn.
Chả phải ăn nóng. Khi ăn, gắp từng miếng cá ra bát, rưới nước mỡ (đang sôi lên trên, ăn kèm với bánh đa nướng hay bún rối, lạc rang, rau mùi, húng Láng, thì là, hành củ tươi chẻ nhỏ chấm với mắm tôm. Mắm tôm phải được pha chế bằng cách vắt chanh tươi, thêm ớt, đánh sủi lên rồi tra thêm chút tinh dầu cà cuống, thêm vài giọt rượu trắng, một ít nước mỡ và đường. Một số khách nước ngoài không ăn được mắm tôm thì thay bằng nước mắm, nhưng nước mắm ít nhiều khiến món chả cá bị giảm hương vị.
Có hai cách ăn phổ biến: Cho cá đã nướng vào chảo mỡ, bỏ hành và rau thì là vào hoặc cho chả cá, hành và rau vào bát, rưới nước mỡ đang sôi và dùng ngay, có thể ăn kèm với bánh đa nướng.
2. Bánh tôm Hồ Tây
Bánh tôm Hồ Tây là một trong các món ăn nổi tiếng của Hà Nội.
Tôm hồ Tây bọc bột mì cho vào chảo mỡ nóng già ngập bánh cho chín tới. Khi bánh phồng lên và ngả màu vàng có bốc mùi thơm ngậy. Gắp bánh gác lên hai que đũa xếp ngang chảo cho ráo mỡ. Ăn bánh nóng cùng với nước chấm vị chua, ngọt và cay, thêm chút dưa góp (đu đủ và cà rốt thái nhỏ ngâm giấm). Bánh tôm ăn cùng rau xà lách, có thể thêm bún rối và rất hợp với bia.
3. Bánh cuốn Thanh Trì
Bánh cuốn Thanh Trì là món ăn nổi tiếng của người Hà Nội, là đặc sản của huyện Thanh Trì. Bánh được làm từ gạo gié cánh, tám thơm, tráng mỏng như tờ giấy.
Theo đó, người ta dùng gạo ngon, xay mịn, hòa với nước. Đặt nồi hấp, căng vải mỏng trên miệng nồi. Mỗi lần cho một muôi bột nhỏ. xoa đều lên bề mặt miếng vải để lá bánh cuốn được mỏng, có thể thoa thêm chút mỡ để dễ lấy ra. Sau khi bánh chín, dùng đũa to hoặc thanh tre gạt ra đĩa, lúc này có thể cuộn thêm nhân gồm một ít thịt vai nửa nạc nửa mỡ, tôm, băm cùng mộc nhĩ, nấm hương đã xào chín với các gia vị như mắm, hạt tiêu... Rắc thêm hành khô phi thơm và dùng với nước chấm đủ các vị chua, cay, mặn, ngọt.
Bánh cuốn Thanh Trì trước đây không có nhân, thường được xếp thành từng lớp trong lòng một chiếc thúng, trên phủ tờ lá sen hay lá chuối, lá dong. Người bán bánh thường đội thúng bánh trên đầu, di dạo bán trên phố phường Hà Nội. Khi gặp người mua, người bán hàng sẽ hạ thúng xuống, lần giở từng lớp bánh cuốn mỏng, tách từng lớp bánh sao lá bánh cuốn khỏi bị rách. Trên mặt lá bánh cuốn điểm những cọng hành lá màu vàng, nâu đã được phi qua trên chảo. Mỗi lớp bánh cuốn đó sẽ được sắp xếp gọn lại trên đĩa, lần lượt từng miếng bánh một được đặt cạnh nhau. Sau đó, với một nhát kéo, tất cả các lá bánh cuốn được cắt đôi. Công việc tiếp theo là nhấc một nửa đầu bánh cuốn mới cắt đó, đặt lên trên nửa kia để người thưởng thức có thể nhìn thấy rõ từng lớp bánh cuốn tráng mỏng như giấy. Bánh được ăn với thứ nước chấm đặc trưng cho từng người bán bánh riêng, có thể ăn kèm chả quế, giò lụa hoặc đậu rán và rau mùi.
4. Ô mai Hàng Đường
Như một nét đặc trưng, khi ra xứ Hà thành ai ai cũng muốn mang về một ít ô mai phố Hàng Đường để làm quà cho người thân như mang một chút nắng xuân, một tí làn gió mát lạnh về nhà để nhớ về Hà Nội thân thương.
Ô mai là một loại mứt, còn được gọi với cái tên quen thuộc là xí muội. Nguyên liệu chính để chế biến ô mai là các loại trái cây đặc trưng của vùng như mơ, mận, me, cóc, đào, sấu, trám, quất, khế, xoài, mít... Nhưng, để có màu sắc và hương vị đặc trưng mang phong cách riêng, mỗi cơ sở chế biến đều có những bí quyết "độc chiêu" mang tính gia truyền. Để có sản phẩm ô mai ngon và bắt mắt, người làm cũng phải thực hiện khá nhiều công đoạn cần đến sự cẩn thận và tinh tế. Trước hết, người ta phải chọn loại quả ngon, tươi tốt không bị sâu, giập... sau đó các loại trái sẽ được rửa sạch, ướp muối, phơi khô và hấp sấy...
Công đoạn kế tiếp là quá trình sao tẩm và chế biến thành phẩm sau cùng. Cũng từ các loại quả ấy, nhưng mỗi loại có thể chế biến nhiều món có hương vị hấp dẫn khác nhau, có loại chua, có loại ngọt, có vị vừa cay - chua - mặn - ngọt hòa lẫn vào nhau để khi thưởng thức, người ăn sẽ mãi không quên. Đôi khi chính những điều giản dị ấy đã trở thành những kỷ niệm đẹp, để rồi người ta vẫn thường ví tuổi ngây thơ là độ tuổi ô mai, là vậy.
5. Bánh cốm Hàng Than
Nhắc đến phố cổ Hà Nội người ta không thể quên Hàng Than, con phố nhỏ có nhiều nhà hàng bánh cốm. Mỗi độ thu sang hương cốm say lòng du khách. Với những bí quyết riêng, món đặc sản này không thể thiếu trong gói quà gửi người xa xứ, cưới hỏi, giỗ chạp.
Cũng gạo nếp với đậu xanh nhưng hương vị bánh cốm thì lại khác với bất kỳ loại bánh nào. Cốm làm từ gạo nếp non, nhân gồm đậu xanh và dừa. Cả vỏ và nhân bánh đều được xào lẫn với đường, khi thưởng thức bánh khó mà biết rõ được phần nào ngon hơn.
Chế biến từ cốm để trở thành bánh cốm, quy trình không kém công phu. Cốm dùng làm bánh phải là dạng cốm già, nghĩa là lúa cắt ở thời điểm hạt đã chắc xanh, vì cốm non khi vào đường sẽ tan hết, không dùng làm vỏ bánh được. Việc rang, giã, sàng, sẩy giống như quy trình sản xuất cốm non. Cốm làm xong sấy khô, đựng vào chum vại, hoặc đóng gói thật kín cho khỏi ẩm. Khi đem làm bánh mới đổ vào nồi hay chảo.
Thường cứ 1 kg cốm đong khoảng 1,3 lít nước, trộn cho hạt cốm mềm, rồi pha tỷ lệ một đường một cốm, đặt lên bếp đun và đảo đều tay, khi gần được thì thêm ít giọt nước cất từ hoa bưởi, nhờ có tinh hoa bưởi mà bánh cốm có hương vị đặc biệt. Cái khéo là ở khâu đun cốm, nếu non thì bánh nhão, quá lửa thì bánh có mùi khét. Bí quyết để có được bánh cốm ngon, thơm hoàn toàn dựa vào thói quen và kinh nghiệm..
Hiện nay, cả dãy phố Hàng Than có đến mấy chục cửa hàng làm và bán bánh cốm, đều dùng chữ “Ninh”. Nhưng Nguyên Ninh là hiệu bánh cốm gia truyền, được nhiều người ưa chuộng.
6. Cốm làng Vòng
Về Hà Nội, không ai không nhớ đến một thứ quà ngon nổi tiếng, thứ quà của lúa non. Cái thứ quà vừa dân dã vừa thanh tao đó có tên gọi là “Cốm làng Vòng”. Làng Vòng cách trung tâm Hà Nội về phía Tây Bắc độ dăm cây số, gồm có các thôn: Vòng Tiền, Vòng Hậu, Vòng Sở, Vòng Trung nhưng chỉ có hải thôn Vòng Hậu và Vòng Sở là làm cốm ngon.
Đặc sản “Cốm làng Vòng” có từ lâu đời được làm từ nếp cái hoa vàng, một năm có hai vụ: vụ chiêm chỉ có cốm vào tháng tư. Vì đây là trái vụ nên cốm của vụ chiêm không mấy hấp dẫn. Muốn ăn cốm ngon phải đợi đến vụ mùa, bắt đầu từ tháng bảy đến tháng mười. Khi ấy là vào mùa thu, mùa của đất trời Hà Nội.
Cốm thường được ăn cùng với chuối tiêu trứng cuốc nhưng ngon nhất vẫn là ăn với trái hồng chín đỏ. Và Thạch Lam trong cuốn “Hà Nội 36 phố phường” đã ví: “Cái màu xanh tươi của cốm như ngọc thạch quý, màu đỏ thắm của hồng như ngọc lựu già. Một thứ thanh đạm, một thứ ngọt sắc, không gì hòa hợp bằng”.
Có thể nói thương hiệu “cốm làng Vòng” đã nổi tiếng khắp ba kỳ. Thế nhưng, những năm gần đây Hà Nội đất chật, người đông, đất làng Vòng xưa kia trồng lúa giờ đã nhường chỗ cho những ngôi nhà cao tầng. Làng Vòng sầm uất hơn, náo nhiệt hơn nhưng không còn lúa để làm cốm nữa. Mặc dù lúa nếp để làm cốm giờ phải sang làng khác hoặc ra các huyện ngoại thành mua về, nhưng người làng Vòng vẫn cố gắng để giữ công nghệ làm cốm cũ.
7. Phở
Phở là một món ăn truyền thống của người Hà Nội nói riêng và của người Việt Nam nói chung. Nó cũng có thể xem là một trong những món ăn đặc trưng nhất cho ẩm thực Việt Nam.
Thành phần chính của phở là bánh phở và nước dùng (hay nước lèo theo cách gọi miền Nam) cùng với thịt bò hoặc gà cắt lát mỏng. Ngoài ra còn kèm theo các gia vị như: tương, tiêu, chanh, nước mắm, ớt,... Những gia vị này được thêm vào tùy theo khẩu vị của từng người dùng. Phở thông thường dùng làm món ăn điểm tâm, hoặc ăn tối. Ở các tỉnh phía Nam Việt Nam, phở được bày biện với những thành phần phụ gọi là rau thơm như hành, giá và những lá cây rau mùi, rau húng, trong đó ngò gai là loại lá đặc trưng của phở. Phở thường là phở bò, nhưng cũng có phở gà, phở heo, phở tôm,...
Nước dùng nói chung được làm bằng việc hầm xương bò, thịt dùng cho món phở là thịt bò hoặc gà và gia vị bao gồm quế, hồi, gừng, thảo quả, đinh hương, hạt mùi,... "Bánh phở", theo truyền thống, được làm từ bột gạo, tráng thành tấm mỏng rồi cắt thành sợi.
Một số giả thuyết cho rằng phở xuất hiện đầu tiên ở Nam Định, nhưng Hà Nội lại là nơi làm cho món ăn dân dã này trở nên nổi tiếng như ngày nay; một số giả thuyết khác nhìn nhận phở như một đặc trưng ẩm thực Hà Thành, có lịch sử từ cuộc giao duyên Việt-Pháp đầu thế kỷ 20.
8. Bánh dày Quán Gánh
Nhắc đến món bánh dày, nhiều người nhớ đến địa danh Quán Gánh (Thường Tín). Chiếc bánh dày làng Quán Gánh có vị dẻo thơm của xôi nếp, màu xanh non của lá chuối, độ thơm ngậy của đậu, thịt được pha trộn cùng với những hương liệu khác mà chỉ có người Quán Gánh mới làm nên được hương vị đặc trưng đó.
Chiếc bánh dày ngon hay không, phần quyết định đầu tiên chính là ở khâu chọn gạo, đồ xôi. Gạo làm bánh phải là loại nếp trắng, dẻo thơm lấy từ vùng Hải Hậu (Nam Định), đem ngâm, đồ thành xôi. Xôi đồ vừa khéo, đủ độ để giã thành vỏ bánh dẻo thơm mà chỉ cần riêng vỏ bánh đều làm thành chiếc bánh dày chay, kẹp thêm miếng giò, người ăn đã cảm nhận được hương nếp trong từng miếng bánh quyện với vị giò thơm hương lá chuối.
Người giã gạo phải là người có sức khỏe dẻo dai, tay chày, tay cối, giã gạo ngay từ lúc xôi còn nóng, đến khi gạo thật nhuyễn, thật dẻo. Tiếng chày giã gạo mỗi sớm tinh sương từ bao đời nay đã trở nên thân thuộc với người dân làng Quán Gánh. Cùng với bánh dày chay còn có loại bánh dày nhân ngọt và nhân mặn. Bánh dày nhân ngọt và nhân từ đậu xanh xào đường. Nhiều người lại thích ăn bánh nhân mặn với đậu xanh, thêm ít thịt ba rọi, dừa và thơm mùi hạt tiêu. Mỗi loại bánh có một hương vị riêng.
9. Vịt cỏ Vân Đình
Vịt cỏ Vân Đình là giống vịt được thả trên các đồng chiêm của huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Vào mùa mưa, nước ngập trắng đồng, hàng trăm chú vịt nhởn nhơ bơi lội, chạy đua với thời gian để lớn nhanh trước khi cánh đồng cạn nước. Không được vỗ béo bằng cám, bằng bột tăng trọng mà tự kiếm ăn từ những hạt lúa còn sót lại, từ những chú giun, dế béo tròn, hớp cái khí trời lồng lộng trên cánh đồng mênh mông nên giống vịt này lớn nhất cũng chỉ khoảng 1,2-1,3kg một con. Sống giữa thiên nhiên, lớn lên nhờ thiên nhiên, vị thơm ngon đặc biệt của vịt cỏ ruộng đồng chiêm trũng Ứng Hòa này không vùng nào sánh được.
10. Giò chả Ước Lễ
Giò, chả Ước Lễ nổi tiếng ngon và được nhiều người ưa chuộng. Cũng bấy nhiêu công đoạn: chọn thịt lợn nạc, giã, tẩm mắm tiêu, gói, luộc; nhưng giã ra sao, mắm tiêu thế nào để khi cầm miếng giò bỏ vào miệng hưởng được cái vị ngọt, thơm, dai, giòn... chứ không bở bục, bã hoặc nhàn nhạt... không phải ai cũng biết cách.
Từ thịt lợn chế biến ra bao nhiêu món ăn khác, ăn mãi rồi cũng chán; riêng giò Ước Lễ thì không thế. Chả thế mà ở nhiều chợ các bà, các cô mua từng lạng ngồi ăn vã ngay tại mẹt hàng. Ngày xưa và cho mãi tới những năm 80 của thế kỷ XX, giò, chả là món ăn cao sang, đắt tiền và khoái khẩu. Cỗ bàn, đặc biệt là cỗ cưới hay dịp Tết không có đĩa giò, đĩa chả không sang. Đi với cơm tám, nó thành đặc sản, người Ước Lễ mở thành những hiệu rất đông khách ở Hà Nội từ đầu thế kỷ trước.
Theo Đất Việt
No comments:
Post a Comment